Nếu bạn đã từng tự mình trải qua quá trình xây dựng một trang web trong quá khứ, chắc bạn cũng hiểu được nó vất vả, gian nan thế nào rồi. Ngay cả khi bạn bỏ tiền ra thuê một ai đó hoặc thậm chí một công ty thiết kế web.
Trong 10 năm qua, ở góc độ cá nhân, tôi cũng từng đập đi làm lại ít nhất 6 lần website cá nhân của tôi rồi
Ở góc độ doanh nghiệp, năm 2008 tôi cũng bắt đầu tự code những website cho anh em, bạn bè, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ PHP, ASP.NET, Open Source…(có thể tính đến con số vài chục 😀 – hiện vẫn có những website tôi hỗ trợ họ làm từ năm 2013 và đến giờ vẫn sử dụng, quyết không nâng cấp luôn vì họ vẫn làm ăn được). Nhưng có một sự thật là, đa số đều rất khó khăn trong việc cải tạo, nâng cấp để bắt kịp xu hướng mới. Không phải vì tôi không support được, có rất nhiều lý do để lý giải, nhưng thách thức mà đa số chúng ta gặp phải đó là NHU CẦU luôn không ngừng tăng và cải tiến.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, và cũng có thể đang loay hoay không biết nên làm gì với website hiện tại, không biết nên bắt đầu một website để kinh doanh như thế nào thì xin đừng quá lo lắng. Bài viết này sẽ giúp bạn xác định được các lựa chọn khác nhau để giúp bạn có thể bắt đầu xây dựng/hoặc cải thiện trang web định hướng theo thương hiệu cá nhân với một mức ngân sách vừa phải.
Trước tiên, tôi muốn nói một số sự thật mang tính tranh cãi chút.
Về cơ bản, bạn không THỰC SỰ phải cần có một trang web để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công. Đa số mọi người đều nghĩ rằng, họ cần có website trước khi họ bắt đầu. Thực tế thì ngược lại. Thực ra, việc dành tâm trí, tiền bạc cho những lo lắng, xây dựng và duy trì một website trước khi kiếm được tiền chính là trở ngại lớn nhất và gây mất thời gian, mất tập trung nhất.
Với bối cảnh hiện tại, các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Linkedin…các nền tảng phần mềm đều có thể giúp bạn dễ dàng tạo ra nhanh một trang website cá nhân cực đơn giản, thậm chí tạo ra các trang landing page để thu hút khách hàng tiềm năng hoặc bán hàng chỉ trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ. Bạn có thể kiểm nghiệm ngay bằng việc Đăng ký tài khoản nền tảng LadiPage sau đó xem hướng dẫn của họ, sử dụng các mẫu có sẵn của họ và bắt đầu tạo ngay một trang Landing Page bán hàng. Tôi tin không tốn của bạn quá 2 tiếng.
Nói thật, dù tôi có nói gì đi chăng nữa, một khi bạn đã có ý định xây dựng một trang web thương hiệu cá nhân thì kiểu gì bạn vẫn sẽ đi theo con đường đó.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn làm rõ cho bạn 2 vấn đề:
- Nếu xây dựng website thì phải làm thế nào?
- Nếu không cần website thì có phương án nào để giúp cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân thành công không?
Ok, ta bắt đầu.
Xây dựng thương hiệu cá nhân với website
Bạn có hai lựa chọn: Tự làm (DIY) hoặc thuê người khác làm nó.
Phương án 1: Tự làm
Đây là cách để tiết kiệm tiền, nhưng nó không dành cho người yếu tim đâu. Cách này thực sự chỉ dành cho những người hiện có nhiều thời gian hơn tiền.
Thực tế, nếu bạn tự làm, bạn cũng chẳng cần phải học về ngôn ngữ lập trình, HTML hay CSS gì đâu. Ngày nay, bạn có thể sử dụng các công cụ WordPress, Wix…để có được kết quả tuyệt vời là có được một trang web cá nhân.
Nhược điểm của phương án này là khi sử dụng các nền tảng như WP hay Wix, việc tùy chỉnh trang web của mình trở nên hạn chế và nói thẳng thì bạn hoàn toàn không có quyền kiểm soát để làm theo đúng ý bạn muốn. Bạn có thể mua mẫu giao diện rồi đưa vào tài khoản của bạn để sử dụng. Nhưng như ở phần đầu tôi có nói, tôi cũng xuất thân là một nông dân rồi đến lập trình viên, tôi hiểu cái nhược điểm này. Gần như không có quyền kiểm soát hoàn toàn.
À nói riêng về WordPress thì hơi khác chút. Nó cho phép bạn upload (tải lên) một cái giao diện được dựng sẵn (Themes) và bạn hoàn toàn có quyền điều chỉnh bất cứ thứ gì bạn muốn với trang web của mình. Tuy nhiên, để có thể tùy chỉnh hoàn toàn, bạn sẽ cần có một số kiến thức về HTML/CSS.
Nếu bạn vẫn kiên trì đi theo con đường phải xây dựng web thương hiệu cá nhân thì tôi khuyên bạn nên chọn WordPress.
Ưu điểm:
- Chi phí thấp
- Có thể cập nhật liên tục
Nhược điểm:
- Khả năng tùy biến hạn chế
- Phải mua hosting để lưu trữ (Riêng cái khoản này thôi, không biết kỹ thuật thì đúng khổ lắm)
- Phải học hỏi công nghệ mới
- Phải thuê ai đó làm khi bạn không thích những gì bạn đã làm trước đó (Làm xong lại thấy chán, thấy người khác đẹp hơn lại muốn làm lại…)
Phương án 2: Thuê ngoài
Cách này dành cho người không có nhiều thời gian nhưng lại có tiền để đầu tư. Đây có vẻ là lựa chọn tốt nhất. Nhưng chắc chắn cũng sẽ đi kèm với một số rủi ro.
Người có tiền đầu tư thì cũng có 5, 7 kiểu, quy lại là Ít tiền, Vừa tiền, Nhiều tiền.
- Phương án 2.1: Với người có ít tiền, muốn tìm kiếm một đồng chí nào đó có thể xây dựng trang web theo ý muốn của mình, nhưng vì ngân sách hạn hẹp, nên chỉ dám tìm những người trong nhóm bạn bè, chơi cùng, biết nhau hoặc thuê người lạ thì toàn người mới bắt đầu, chưa có nhiều kỹ năng cần thiết để biến tầm nhìn của bạn thành hiện thực. Những người này thường thì hoặc thiết kỹ năng thiết kế, hoặc thiếu kỹ năng kỹ thuật. Và đương nhiên, làm sao có được một trang web đẹp mà không lỗi. Sự thật là có trên 80% sẽ chọn phương án này.
- Phương án 2.2: Với người có vừa tiền, cam kết đầu tư thực sự (khoản đầu tư này thường không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ) thì họ chọn thuê một người làm thiết kế, 1 người làm kỹ thuật hoặc một đơn vị thiết kế web với cả đội ngũ thiết và kỹ thuật với chi phí phải chăng nhưng lại đáp ứng được cả về thẩm mỹ và kỹ thuật trong việc xây dựng trang web cho họ. Tất nhiên, nếu xây dựng web thì tôi sẽ khuyên chọn cách này khi xác định thuê ngoài làm. Khoảng 15% sẽ chọn cách này.
- Phương án 2.3: Với người có nhiều tiền, nhận thức rõ về tầm quan trọng của trang web cá nhân của họ, nhận thức rõ về sự ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân đối với công việc của họ hàng ngày, họ sẽ lựa chọn đầu tư một khoản ngân sách vừa đủ (họ coi như đó là một khoản đầu tư với rủi ro cao – không ảnh hưởng gì đến công việc, cuộc sống hiện tại) để thuê một đội ngũ phản ứng nhanh, chuyên nghiệp. Với nhóm người này, thường không có thời gian nhưng lại có rất nhiều tiền. Họ chỉ cần có một đội ngũ xuất sắc để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực với một trang web trông đẳng cấp để thúc đẩy công việc kinh doanh của họ. Chắc chỉ có khoảng 5% thuộc nhóm này.
Nói tóm lại, với 2 phương án: Tự làm và Thuê ngoài thì đều khá tốn kém và phức tạp. Lựa chọn nào thì còn tùy thuộc vào việc bạn có bao nhiêu thời gian, tiền bạc và kỹ năng kỹ thuật. Nhưng như đã nói ở trên, nếu bạn đã tập xác định là phải làm web thì tôi sẽ khuyên bạn sử dụng phương án 2.3 – làm việc với một đội ngũ xuất sắc. Tuy tốn kém chút nhưng đẳng cấp và rủi ro thấp (ngay cả khi bạn có kỹ năng kỹ thuật).
Xây dựng thương hiệu cá nhân không cần website
Trái với niềm tin phổ biến mà đa số đều đang tin thì bạn thực sự KHÔNG CẦN một trang web để có thể bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân và kiếm được tiền từ đó. Bạn hoàn toàn có thể kiếm được tiền trước khi bạn cần một website.
Rất nhiều người nghĩ rằng, mọi người sẽ biết đến chúng ta nhiều hơn thông qua các bài đăng trên blog, từ đó tin tưởng chúng ta hơn, biết về chúng ta nhiều hơn.
THỰC SỰ thì không phải vậy.
Bạn đang nghĩ: Thế tại sao tôi lại viết bài này để bạn đọc?
Thưa bạn, tôi đã trải qua hơn 10 năm, như ở phần đầu tôi có đề cập, tôi cũng từng bắt đầu như bạn, thậm chí còn đang kém hơn cả bạn về nhiều mặt. Tôi nhận ra rằng, việc chi tiền và thời gian để tạo ra một trang web đẹp chưa phải là một chiến lược để tạo ra kết quả kinh doanh đột phá. Thực chất nó chỉ là một tập tài liệu kỹ thuật số được thiết kế đẹp mắt mà thôi.
Bạn đã từng mua hàng từ việc xem một tờ rơi chưa?
Website chỉ là một kênh tiếp thị!
Bạn cần một phễu tiếp thị
Như bạn có thể thấy, giờ đây, tôi hướng mọi khách truy cập của mình đến với một trang đích duy nhất nguyenvandinh.com. Và mọi doanh thu mà tôi có được, mọi đơn hàng mà tôi hỗ trợ đội ngũ của chúng tôi có được đều đến từ sự bắt đầu hành trình đó.
Ok, tôi không hứa bạn sẽ làm được những kết quả tương tự, tôi không biết bạn hoặc nền tảng thực sự bạn đang có, nhưng nếu bạn có thể làm được ít nhất như cách tôi làm (tạo ra một trang đích và điều hướng tất cả truy cập về trang đích đó) thì tôi tin đó là một kết quả tuyệt vời của sự thay đổi.
Hay nói đúng hơn thì bạn cần một phễu tiếp thị.
Phễu tiếp thị là gì?
Đơn giản là một loạt các điểm chạm có nhiệm vụ làm tăng giá trị cá nhân bạn thông qua việc thông qua các phần mềm, nền tảng, phương thức khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định (Vòng đời tiếp thị một sản phẩm/dịch vụ).
Bạn có thể: Cung cấp nội dung miễn phí hữu ích, cung cấp cho độc giả cơ hội để tiến thêm bước nữa và trả tiền để có được sự trợ giúp của bạn.
Điểm chạm đầu tiên của phễu tiếp thị thường bắt đầu bằng một số nội dung miễn phí. Đó có thể là một ebook, một bài đăng blog hoặc có thể là một cuộc gặp mặt cafe đơn thuần.
Nguyên tắc với mọi điểm chạm bạn có là phải có CTA (Call To Action) để hướng mọi người đến trang đích liên quan hoặc đến với hành động tiếp theo mà bạn muốn (trong trường hợp ở bài đăng này, tôi sẽ nói đến việc điều hướng mọi người đến trang đích). Tại trang đích, bạn sẽ thu tên, email của khách hàng tiềm năng, sau đó bạn sẽ gửi cho thêm một số thông tin để họ tìm hiểu thêm về bạn, các sản phẩm/dịch vụ của bạn (gửi bằng tay, gửi tự động thông qua phần mềm Email Marketing…). Đây chính là các điểm tiếp xúc tiếp theo.
Nếu như ở phần trên, tôi có đề cập đến việc làm website và có thể nó khó đối với bạn thì ở phần này, tôi khuyên bạn một cách đơn giản hơn, dễ làm hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn rất nhiều. Hãy bắt đầu trang web của bạn như một trang landing page để thu hút khách hàng tiềm năng và hướng mọi người đến đó thông qua phễu tiếp thị của bạn (các điểm tiếp xúc).
Thực sự thì bạn không cần phải có một trang web với nhiều tính năng hấp dẫn mới có thể kiếm được tiền. Tất cả bạn cần là một trang landing page đơn giản và một phễu tiếp thị cơ bản mà thôi.
Làm thế nào để tôi có thể xây dựng một trang đích?
Trước khi đi đến việc tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn bạn hiểu rõ hơn về trang đích này. Trang đích của bạn nên giải quyết một nhu cầu cụ thể và giá trị cốt lõi bản thân bạn, và nếu có thể thì đưa ra được ngắn gọn những thách thức hoặc nỗi đau mà bạn biết khách hàng mục tiêu của mình đang gặp phải kèm với đó là giải pháp – đó chính là bạn.
Đó là những gì cơ bản nhất mà trang đích của bạn cần phải có.
Nếu có thêm nữa, thì bạn nên cung cấp thêm một số nội dung miễn phí để giúp họ thực hiện một bước đi lớn trong việc giải quyết vấn đề của họ. Khách hàng tiềm năng của bạn sẽ cung cấp cho bạn tên, email để nhận được nội dung miễn phí đó.
Và để làm được trang đích như vậy, với cấu trúc, nội dung như trên, bạn có rất nhiều giải pháp khác nhau. Và để nhanh chóng, đơn giản, không cần phải biết kỹ thuật lập trình hay thiết kế, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với công cụ tạo landing page bằng thao tác kéo thả như LadiPage – cách nhanh nhất mà bạn biết ngày hôm nay. LadiPage có rất nhiều mẫu giao diện để bạn lựa chọn, bạn chỉ việc thêm hình ảnh, nội dung của riêng bạn là xong.
Đây là một ví dụ về trang Landing Page mà tôi đã tạo trên LadiPage.
Hoặc bạn có thể xem trang chủ của tôi tại www.anthanhs.com – được tạo ra bởi LadiPage.
Sau khi bạn có được trang Landing Page rồi, bạn có form thu thập thông tin – thông tin đó bạn có thể lưu trữ trong Google Sheet (cách đơn giản nhất, lưu để đấy hoặc có thể gửi email bằng tay cho từng người nếu bạn chưa biết dùng Email Marketing…) hoặc kết nối với một phần mềm làm Email Marketing như Getresponse, ActiveCampaign, MailChimp…để tự động gửi một loạt email với những nội dung mà khách hàng tiềm năng của bạn quan tâm.
Bạn nghĩ có phức tạp không?
Không, thực sự rất đơn giản.
Bài đăng này không phải là một hướng dẫn Step-by-step về cách triển khai kỹ thuật xây dựng một phễu hay một Landing Page. Mục đích của tôi khi viết bài này để bạn mở ra suy nghĩ về một ý tưởng: Bạn không cần phải có một trang web đầy đủ, nhiều tính năng mới có thể kiếm được tiền. Có nhiều cách tốt hơn, dễ dàng hơn thế.
Như có kể lại với bạn ở phần đầu, cách đây vài năm, tôi cũng làm Web bằng WordPress, cũng thiết kế Landing Page bằng Thrive Themes theo đúng tư duy mà tôi đang nói với bạn. Vì tôi biết kỹ thuật nên cũng không phải vấn đề quá khó. Nhưng thú thực, nó mất rất nhiều thời gian và thực sự nó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiệu suất. Nhưng bây giờ, vẫn là các trang Landing Page như cũ, giống hết nhau, tôi không cần phải cài cắm WordPress hay Plugin gì hết, chỉ với LadiPage + mẫu giao diện có sẵn + thêm bớt vài nôi dung, hình ảnh. Tôi có ngay trang landing page ưng ý.
Đừng nghĩ quá nhiều về công cụ LadiPage hay bất cứ công cụ trực tuyến nào mà bạn biết.
Điều duy nhất quan trọng là nội dung chất lượng, tạo ra sản phẩm phù hợp và nhận được những người sẽ trả tiền cho bạn.
Bạn làm tốt 3 điều này, càng nhiều thì bạn càng có nhiều thành công.
Hy vọng bài viết này hữu ích đối với bạn. Cảm ơn vì đã đọc bài viết này của tôi. Chúc bạn thành công!